Wednesday, November 24, 2010

Jesus of Suburbia







("Jesus of Suburbia" Green Day) X a = 2 (giờ)
Để tính a, làm ngược lại :
Đổi : 2 giờ = 120 phút. "Jesus of Suburbia" = 9 phút.
=> a = 120 : 9 = 13,3 => a = 13 (lần) .

13 lần à, cũng không nhiều lắm nhỉ.

Mình đang... phê...
Không phải mình say rượu (hay bia), lâu rồi mình không uống rượu (hay bia), tuy là mình sắp uống (trong tương lai gần), vino thôi, không phải vodka. Thật ra mình không khoái vodka chút nào, nhất là cái "Vodka New Rice" Hà Nội ấy, độ cồn 45%!

Lạc đề rồi, mình không định bàn về bia rượu, tất nhiên, vì mình không "say" bia rượu. Mình sắp sửa nói về thứ đang gây nên cảm giác "phê" này trong mình : "Jesus of Suburbia" của Green Day, Jesus của Suburbia (không phải của Nazareth).

Mình đã nghe bài hát này liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Ban đầu mình nghe và hát theo, "hét". Sau đó mình nghe và hát theo, hát to những đoạn mình thích. Tiếp đó (1 tiếng sau) Trà My kêu là ồn quá, phá vỡ không gian yên bình 1h đêm nó muốn có khi đọc "Ngôi nhà hạnh phúc", thế nên mình đành giảm "volumne", chỉ còn bật hơi và hát hết sức khẽ. "Giai đoạn cuối" là mình ngửa cổ tựa lên thành ghế, úp thêm cái gối trên mặt (che ánh đèn) và chỉ còn làm mỗi một việc là nghe "Jesus of Suburbia" (nếu không tính "suy nghĩ" là một hành động). Và đó chính là lúc mình bắt đầu "phê".

Mình chăm chú lắng nghe ca từ bài hát, cố gắng nhận biết từng từ trong lời bài hát. Bọn Green Day này hát khó nghe ghê. Nghe chán (và mệt) thì mình ngừng trò đuổi bắt từ ngữ, để mặc đầu óc tràn ngập những âm thanh náo nhiệt đầy kích động, và suy nghĩ, hồi tưởng. Mình nhớ lại cảm giác phóng xe 100km/h (mà không thấy là nhanh), nhớ lại những cơn gió, suy nghĩ về chuyện vừa trải qua. Mình suy nghĩ rành mạch, logic, từ ngữ hiện ra đều đặn, hoàn chỉnh và lôi cuốn. Cuối cùng, mình suy nghĩ xong (hoặc không thể nghĩ gì hơn), đột ngột nhấc đầu dậy, hất chiếc gối rớt xuống mặt bàn, và chỉ có thể nói thế này : "Mình đang phê".

Trên Wiktionary tiếng Việt giải nghĩa từ "phê" như thế này : "Rơi vào trạng thái mất tự chủ khi đang sử dụng ma túy hoặc một số chất kích thích khác" và xếp nó vào động từ. Còn đây là cách mình giải nghĩa từ "phê", đặc biệt áp dụng cho trường hợp hiện tại.
Đó là tính từ ngắn gọn và biểu cảm miêu tả trạng thái hưng phấn về tinh thần, đầu óc lâng lâng (để hiểu rõ chúng ta lại phải đi giải nghĩa từ "lâng lâng"), không thể suy nghĩ điều gì rõ ràng, chỉ thấy một cảm giác nhẹ nhõm dễ chịu và có tính kích thích xâm chiếm cơ thể. "Có tính kích thích" vì cảm giác đó gần như là vui, đồng thời khiến chúng ta cảm tưởng như cơ thể được tiếp thêm sinh khí, năng lượng, đủ khiến chúng ta hài lòng đến mức mỉm cười. Trạng thái vật lý của cơ thể lúc này là chân tay yếu mềm, cử động điều khiển chân tay (hơi) vụng về, nhưng lại có cảm giác cơ thể nhẹ bẫng, thậm chí hơi bồng bềnh (giống những lúc ngủ rất sâu và ngon nhưng sắp sửa tỉnh dậy vì bị đánh thức). "Đặc điểm nhận dạng" rõ nhất là miệng cười mỉm ngu ngơ mơ màng và mắt nhìn mọi thứ đều có vẻ ở "điểm rơi" xa hơn thực tế cần thiết.
Miêu tả chừng ấy chắc đủ rồi nhỉ. Miêu tả này cũng có thể áp dụng cho trường hợp "phê" bia rượu, điều chỉnh từ ngữ mạnh hơn một chút.

Khi mình cảm nhận tất cả những cảm giác này thì mình bắt đầu nghĩ về việc nhìn nhận rock như một thứ cocaine (cách nói bóng bẩy mình muốn dùng thay cho từ "chất kích thích"). Thứ âm thanh đó ồn ã, náo nhiệt, đầy sức mạnh, giống như đang gắng "dựng" dây thần kinh chúng ta lên từ chỗ rệu rã. Và mình khá chắc chắn nó gây một sự kích động lên hệ thần kinh, một chất kích thích. Âm thanh tràn vào màng nhĩ, cùng với cảm giác về năng lượng đang lan dần trong cơ thể. Cơ thể giống như được "dựng" lên (high) cùng với các dây thần kinh căng ra dưới áp lực của thứ âm thanh mạnh mẽ. Bỏ tai nghe ra, âm thanh rút khỏi cơ thể, dây thần kinh chùng xuống, cơ thể "rơi" xuống cùng với dây thần kinh (down). Đó là rock.

Trước giờ mình không khoái "Jesus of Suburbia" bằng những ca khúc khác trong cùng album của Green Day. Mình thấy đoạn mở đầu của nó ồn ã quá mức cần thiết (dễ làm mình giật mình), bài hát dài lê thê khiến mình thấy buồn ngủ (mở ra nghe chán chê, nhìn lại xem đang là bài gì, "Ơ, vẫn đang là bài 2 à?"), và nhất là ca từ khó nghe kinh khủng, khiến mình không thể nhớ và không thể hát theo, dù rất thích một vài đoạn. Lúc nãy mình mở Green Day vốn để nghe "Holiday", một bài có vẻ hợp tâm trạng. Mở ra thấy nghe "American idiot" cũng được nên để nghe từ từ luôn. Xong "American idiot" đến "Jesus of Suburbia" tự dưng thấy rất hứng, nghĩ hôm nay chắc dành để nghe nhạc Green Day rồi. Nghe dở "Jesus of Suburbia" thì nhớ ra nó là cái bài dài vô địch trong album, nghĩ mãi mới nhớ ra tên, nhân tiện đến đoạn mình thích nên search lyrics hát theo, đang hứng mà. Sau đó thì ấn nút repeat khi gần hết bài hát và rốt cuộc mình vẫn chưa nghe sang được "Holiday" (bài 3). Thế đấy, cuối cùng mình nhìn nhận đây là bài đáng nghe nhất album :-s , một bản rock hùng tráng.
Chốt lại là bài hát này còn đưa mình đến chỗ đưa ra một định nghĩa "rock" cho riêng mình nữa chứ, Jesus (thay cho "Amen").

Và nó đây, "Jesus of Suburbia" của Green Day, được độc giả tạp chí Rolling Stone bình chọn là ca khúc tuyệt vời nhất của Green Day.







Part I: Jesus of Suburbia

I'm the son of rage and love
The Jesus of Suburbia
The bible of none of the above
On a steady diet of

Soda pop and Ritalin
No one ever died for my sins in hell
As far as I can tell
At least the ones I got away with

And there's nothing wrong with me
This is how I'm supposed to be
In a land of make believe
That don't believe in me

Get my television fix
Sitting on my crucifix
A living room for my private womb
While the moms and Brads are away

To fall in love and fall in debt
To alcohol and cigarettes
And Mary Jane to keep me insane
Doing someone else's cocaine

And there's nothing wrong with me
This is how I'm supposed to be
In a land of make believe
That don't believe in me

Part II: City of the Damned

At the center of the earth, in the parking lot
Of the 7-11 where I was taught the motto was just a lie
It says "Home is where your heart is" but what a shame
'Cause everyone's heart doesn't beat the same
It's beating out of time

City of the dead
At the end of another lost highway
Signs misleading to nowhere
City of the damned
Lost children with dirty faces today
No one really seems to care

I read the graffiti in the bathroom stall
Like the holy scriptures of the shopping mall
And so it seemed to confess
It didn't say much, but it only confirmed
That the center of the earth is the end of the world
And I could really care less

City of the dead at the end of another lost highway
Signs misleading to nowhere
City of the damned lost children with dirty faces today
No one really seems to care

Part III: I Don't Care

I don't care if you don't, I don't care if you don't
I don't care if you don't care
I don't care if you don't, I don't care if you don't
I don't care if you don't care

I don't care if you don't, I don't care if you don't
I don't care if you don't care
I don't care if you don't, I don't care if you don't
I don't care if you don't care

I don't care

Everyone's so full of shit
Born and raised by hypocrites
Hearts recycled but never saved
From the cradles to the grave

We are the kids of war and peace
From Anaheim to the middle east
We are the stories and disciples of
The Jesus of Suburbia

Land of make believe
And it don't believe in me
Land of make believe
And it don't believe and I don't care

I don't care
I don't care
I don't care
I don't care

Part IV: Dearly Beloved

Dearly beloved, are you listening?
I can't remember a word that you were saying
Are we demented or am I disturbed?
The space that's in between insane and insecure

Oh, therapy, can you please fill the void?
Am I retarded or am I just overjoyed?
Nobody's perfect and I stand accused
For lack of a better word and that's my best excuse

Part V: Tales From Another Broken Home

To live and not to breathe
Is to die in tragedy
To run, to run away
To find what you believe

And I leave behind
This hurricane of fucking lies

I lost my faith to this
This town that don't exist
So I run, I run away
The lights of masochists

And I leave behind
This hurricane of fucking lies
And I walked this line
A million and one fucking times
But not this time

I don't feel any shame, I won't apologize
When there ain't nowhere you can go
Running away from pain when you've been victimized
Tales from another broken
home

You're leaving
You're leaving
You're leaving
Ah you're leaving home.

And I leave behind this hurricane of fucking lies...
I don't feel any shame, I won't apologize.
Dearly beloved...

Monday, November 15, 2010

Đối chiếu ngôn ngữ Nga - Việt

Lý thuyết :

1. Tiếng Nga là ngôn ngữ gốc Slav.
2. Tiếng Nga là ngôn ngữ tổng hợp, biến cách.
3. Tiếng Việt là ngôn ngữ phân tích, đơn lập.
4. Tiếng Việt có cấu tạo từ, không có cấu tạo dạng thức từ. Tiếng Nga có cả hai.
5. Đơn vị tương đương : một đơn vị từ vựng trong ngôn ngữ này trùng khớp với một đơn vị từ vựng trong ngôn ngữ khác về ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều khi các đơn vị ngôn ngữ tưởng như trùng khớp nhưng thật ra vẫn có những nét khác biệt.

Chẳng biết thầy còn "chém gió" gì nữa, nhặt nhạnh trong vở chỉ được chừng này, còn thì nhờ cậy vào trí nhớ vậy, dù sao nghe giảng cũng khá đầy đủ.

Thực hành :

1. Đối chiếu tính từ tiếng Nga và tiếng Việt :

- Trong 2 ngôn ngữ đều có loại từ này.
- Khái niệm : đều là loại từ dùng để chỉ tính chất, hình thái, số lượng...
- Vai trò : đều bổ sung ý nghĩa cho danh từ, đại từ.
- Vị trí trong câu :
+ Tiếng Nga : tính từ thường đứng trước danh từ.
+ Tiếng Việt : tính từ thường đứng sau danh từ. Lấy ví dụ.
- Dạng thức :
+ Tiếng Nga : tính từ có 3 phạm trù ngữ pháp cơ bản là giống, số và cách, phù hợp với danh từ về giống, số và cách. Tính từ nguyên dạng của tiếng Nga thường kết thúc bằng "ый" và "ий", dễ dàng phân biệt với trạng từ. Lấy ví dụ.
+ Tiếng Việt : tính từ không biến đổi, khó phân biệt với trạng từ. Lấy ví dụ.
- Thể hiện ý nghĩa so sánh "hơn" :
+ Tiếng Nga : biến đổi đuôi từ, hoặc thêm từ. Lấy ví dụ.
+ Tiếng Việt : thêm từ "hơn". Lấy ví dụ.

2. Trật tự từ trong câu tiếng Nga và tiếng Việt :

- Trật tự từ trong tiếng Nga tự do hơn trật tự từ trong tiếng Việt.
+ Tiếng Nga : có thể thay đổi trật tự từ mà không làm biến đổi ý nghĩa chung của câu. Ví dụ.
+ Tiếng Việt : thay đổi trật tự từ -> ý nghĩa thay đổi. Ví dụ.
- Trật tự từ trong tiếng Nga đóng vai trò như phương tiện ngữ pháp thể hiện sắc thái, nét nghĩa nhất định của câu, thay đổi trật tự từ -> thay đổi nét nghĩa. Ví dụ : "Он смотрит футбол" khác "Смотрит он футбол".
+ Trật tự từ trong tiếng Việt không có chức năng đó, nếu muốn diễn đạt ý nghĩa tương đương với câu tiếng Nga, phải sử dụng phương pháp từ vựng : "Anh ấy xem bóng đá chứ không phải xem cái gì khác".

3. Đối chiếu danh từ :

- Trong 2 ngôn ngữ đều có loại từ này.
- Khái niệm : đều là loại từ dùng để chỉ sự vật, sự việc, hiện tượng...
- Vai trò : đều thường đóng vai trò chủ ngữ hoặc bổ ngữ trong câu.
- Dạng thức :
+ Tiếng Nga : danh từ có 3 phạm trù ngữ pháp cơ bản là giống, số và cách, biến đổi theo giống, số và cách.
+ Tiếng Việt : không biến đổi.
- Ý nghĩa phân biệt giống trong danh từ :
+ Tiếng Nga : biến đổi đuôi từ : студент -> студентка; hoặc sử dụng từ khác : собака, щенок.
+ Tiếng Việt : sử dụng phương pháp từ vựng : sinh viên -> sinh viên nữ; thêm từ "đực, cái, con" : chó đực, chó cái, chó con.
- Ý nghĩa số nhiều trong danh từ :
+ Tiếng Nga : biến đổi đuôi từ : студент -> студенты; hoặc sử dụng từ khác : человек, люди.
+ Tiếng Việt : sử dụng phương pháp từ vựng : thêm "những", "các" vào trước danh từ : "những sinh viên"; hoặc sử dụng danh từ với ý nghĩa danh từ tập hợp : "Sinh viên trường đại học Hà Nội tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện".

4. Đối chiếu động từ :

- Trong 2 ngôn ngữ đều có loại từ này.
- Khái niệm : đều là loại từ biểu thị hành động hoặc trạng thái.
- Vai trò : đều thường đóng vai trò vị ngữ trong câu.
- Dạng thức :
+ Tiếng Nga : động từ biến đổi theo ngôi, thời. Ví dụ. Dễ dàng xác định động từ.
+ Tiếng Việt : không biến đổi. Ví dụ. Không dễ phân biệt động từ với các loại từ khác.
- Xác định thời của động từ :
+ Tiếng Nga : dễ dàng xác định : читал, читаю, буду читать/прочитаю.
+ Tiếng Việt : sử dụng "đã", "đang" và "sẽ" thêm vào động từ, tuy nhiên, không tương đương với cách thể hiện thời của động từ trong tiếng Nga. Trong tiếng Việt, thời của động từ được xác định dựa vào ngữ cảnh, ý nghĩa chung của câu.

5. Đối chiếu giới từ :

- Trong cả 2 ngôn ngữ đều có loại từ này.
- Đều không biến đổi dạng thức.
- Trong tiếng Việt, giới từ có thể được sử dụng hoặc không. Ví dụ : Tôi đi Mỹ (không sử dụng giới từ). Tiếng Nga : bắt buộc sử dụng.
- Trong tiếng Việt, trong một số trường hợp, giới từ có thể đóng vai trò động từ : "Tôi sang Lào".

6. Cấu tạo từ trong tiếng Nga và tiếng Việt :

- Tiếng Nga : cấu tạo từ mới bằng cách biến đổi từ gốc : учить - учитель - учительница...
- Tiếng Việt : sử dụng phương pháp từ vựng, phát triển từ gốc ban đầu theo nghĩa miêu tả : mẹ - mẹ nuôi - mẹ kế...

7. Đối chiếu trọng âm tiếng Nga và thanh điệu tiếng Việt.


Saturday, November 13, 2010

...

Tối qua thức đến 2 rưỡi. Ngủ hơn 4 tiếng.
Sáng 7h đi học đến 11h15, buổi học vui nhất của năm 3.
12h về nhà ngủ thêm 3 tiếng.
Chiều ở công ty từ 4h đến 9h tối, có một số việc cần làm ngay.
10 rưỡi về đến nhà.
11h tiếp tục công việc.
3h vẫn ngồi đây, chưa biết thức đến mấy giờ :D . Chắc lát nữa ngủ một chút rồi làm tiếp.
Sáng mai (nay) đến công ty. Ngày mai ở công ty cả ngày, ngày mai là ngày quan trọng :) .

Mấy ngày cuối tuần phải hoàn chỉnh toàn bộ công việc dở dang từ trước. Sáng thứ 3 thi Đối chiếu ngôn ngữ Nga - Việt. Chiều thứ 3 kiểm tra giữa kì tiếng Anh. Tối thứ 3 nộp 2 bài viết tiếng Thái.

Ask me whether I'm alive :D . Oh, I feel life is wonderful this way :) .

Tuesday, November 9, 2010

Ngày...??

Mình đúng là không chịu nổi tí ti bất kì chút áp lực nào. Ngày mai thi tiếng Thái, lo, thứ 7 và chủ nhật đã cặm cụi học rồi, theo lý thuyết hôm nay phải càng cặm cụi hơn, và cũng định thế thật.

Hôm nay, thức dậy lúc 11 rưỡi, trời ạ, tính tốt đi ngủ sớm luyện chưa được bao lâu đã lại biến mất như chưa từng tồn tại. Dậy ngu ngơ gà rù một lúc rồi đi học tiếng Anh. Chẳng muốn đi chút nào, thấy oải oải, định nghỉ ở nhà ôn tiếng Thái, nhưng nghĩ có thể hôm nay kiểm tra giữa kì nên đi luôn, dù sao tiếng Anh cũng nghỉ sớm.

Đến lớp tiếng Anh, bài tập nghe làm được một nửa thì đài nằm im, khỏi nghe nữa. Bọn mình đang làm bài theo kiểu ôn thi IELTS, mình nghe số chán quá, toàn nghe lần đầu thấy "choáng ngợp", lần thứ 2 mới ghi đầy đủ chính xác được. Sang bài đọc, càng tệ, nhìn mãi vẫn chưa thấy thông tin ở đâu, hình như bộ não mình vẫn chưa "thức dậy" thì phải. Bài tập vẫn làm được, nhưng chậm dã man.

Ra chơi, đi đi lại lại, "tập thể dục" ở lan can hành lang mất 15' , hết sức phân vân nên ở lại học tiếp hay nên về. Quyết định ở lại nhưng làm xong bài tập nghe sẽ xin về. Yên trí quay vào lớp ngồi thêm được 5' , rồi đứng dậy vác ba-lô về. Là thế, mình muốn đi ăn bún, lúc nãy ngồi trong lớp đã cố tự thuyết phục là mình không đói lắm và mình có thể đợi, nhưng bây giờ thì mình thấy hết muốn đợi rồi. Vả lại hôm nay là một ngày đẹp trời, nắng ấm, gió nhẹ, ngồi trong lớp thì thật là phí.

Từ đây mình sẽ gạch ý nhanh để còn đi ngủ. Mà thôi chắc khỏi luôn. Mình chỉ định nói là ngày mai thi rồi, lẽ ra hôm nay mình phải cật lực học hành nhưng ngược lại, mình lại cắm cúi bên máy tính từ chiều tới tối khuya (trong khi dạo này mình ít dùng máy tính). Để làm gì? Nghe nhạc, cố tìm mấy bài mới để nghe, hết bài này đến bài khác, thấy bài nào cũng hay. Vào Facebook, phải công nhận là Facebook bao giờ cũng vui. Đọc báo, đọc blog, đọc được nhiều thứ rất thú vị và bổ ích. Tóm lại, mình chỉ toàn CHƠI thôi, nhưng mình lại thấy rất VUI và mình sắp sửa đi ngủ với cảm giác HÀI LÒNG với ngày hôm nay rồi đây. Tại sao?? Mình không học chút gì cả, ngày mai mình phải thi!! Vấn đề ở đây là cảm giác HÀI LÒNG.

Xem ra mình phải xem xét lại điều gì khiến mình thấy một ngày là hiệu quả và có ý nghĩa.