Monday, July 11, 2011

Bangkok vs Krung Thep

Sáng mai 7h tập trung ở trường, 10h35 máy bay cất cánh, 12h35 có mặt ở sân bay Suvarnabhumi, sau đó sẽ cùng đoàn đón tiếp của trường Srinakharinwirot đến khách sạn, có thể buổi chiều sẽ có luôn lễ khai mạc khóa học, buổi tối nghỉ ngơi và khám phá khu đại học ban đêm.

Vậy là ngày mai đã ở trên đất Thái. Mấy hôm nay mình cứ nghĩ, cảm giác thức dậy ở Bangkok sẽ như thế nào?

Bangkok, thủ đô và là thành phố lớn nhất Thái Lan, có tên tiếng Thái "Krung Thep", nghĩa là "Thành phố của các vị thần". "Krung Thep" hay "Krung Thep Maha Nakhon" là tên gọi tắt chính thức, tên đầy đủ của thủ đô này viết ra có thể dài gần một trang giấy và hoàn toàn tự tin tranh cử ngôi vị tên thủ đô dài nhất thế giới (đảm bảo qua mặt Bandar Seri Begawan của Brunei). Tên quái quỷ gì mà có thể dài đến thế? Chẳng có gì cả, đó là một tập hợp những cụm danh từ mang ý nghĩa ca ngợi thành phố kinh đô Thái, đại loại như "Thành phố của các vị thần, thành phố lung linh tráng lệ được phù hộ bởi..." vân vân và vân vân.

Người Thái gọi kinh đô nước mình là "Krung Thep" nhưng người ngoại quốc nhất loạt gọi thành phố lớn nhất Thái Lan là "Bangkok" (đến nỗi có cái trò "nghịch" chữ "Go to Bangkok to bang co**" gắn liền tên thủ đô với ngành công nghiệp không khói nổi tiếng của Thái). Tại sao?

"Bangkok" là tên cũ của "Krung Thep", cô giáo mình giải thích như thế. Đúng, về cơ bản biết thế là ổn. Cụ thể hơn sẽ là: người phương Tây biết đến vùng đất kinh đô Thái đang tọa lạc hiện nay từ khi người Thái còn gọi nó là "Bangkok" và đã không sửa đổi cái tên để bắt kịp thời đại khi Đại đế Rama I, vị vua khởi đầu triều đại Chakri đang trị vì Vương quốc Thái hiện nay với hậu duệ đời thứ 9 (Rama IX), xây dựng thành phố mới trên vùng đất này và đặt tên thành phố kinh đô Thái là "Krung Thep".

Có gì không hợp lý? "Bangkok" không phải là tên của thành phố, càng chưa bao giờ là tên kinh đô Thái (vì cái tên đó quá bình thường), "Bangkok" là tên vùng đất, một vùng buôn bán và dân cư nhỏ bên cạnh kinh đô Thái ở thời điểm đó - Ayuttaya (nay hiểu là cố đô Thái). Sau đó người Thái đã xây dựng một kinh thành mới trên vùng đất Bangkok (do Ayuttaya thất thủ vào tay người Miến) và gọi toàn bộ khu vực đó là Thon Buri. Có thể nói, cái tên Bangkok bị xóa sổ với sự xuất hiện của tòa thành Thon Buri.

Thành Thon Buri do vua Taksin xây dựng đã được Đại đế Rama I (gọi theo dân Thái cho phải phép thôi, trong tiếng Anh thì là "King" tuốt) phát triển mở rộng tạo dựng kinh đô mới được đặt tên Krung Thep, thủ đô Thái hiện nay. Như vậy, một cách phiến diện, chúng ta có thể nói Thon Buri là tên cũ của Krung Thep, hay Krung Thep có tên cũ là Thon Buri, hay kinh đô Thái hiện nay từng có tên là Thon Buri (hiện nay ở Krung Thep vẫn còn quận tên Thon Buri, ở vị trí thành Thon Buri trước đây) (giống như chúng ta nói Thăng Long là tên cũ của Hà Nội, nhưng lưu ý rằng Krung Thep được xây mới và đặt tên mới, chứ không đơn giản là tòa thành Thon Buri đổi tên). Còn Bangkok, nói một cách chính xác, là tên cũ của vùng đất nơi một phần kinh đô Thái hiện nay được xây dựng (Có thể so sánh với vùng Đại La (với giả thiết bỏ qua thành Đại La và không quá quan tâm đến tỉ lệ diện tích) -> thành Thăng Long -> Hà Nội). Như vậy, trong tiếng Thái và tư duy Thái, khi nhắc đến "Bangkok" là có ý nói tên cũ của quận Thon Buri và chỉ được hiểu khu vực phạm vi quận Thon Buri, không bao giờ là cả kinh thành Krung Thep.

Người Thái hẳn không được vui lắm khi người Anh bao đời nay vẫn gọi kinh đô của họ là "Bangkok", một cái tên thực rất kém phần cao quý so với "Thon Buri" hay "Krung Thep". Và người Anh với tầm ảnh hưởng của mình đã đưa cái tên "Bangkok" phổ biến đến mọi ngôn ngữ thay cho "Krung Thep". Chào mừng thời đại của tiếng Anh và văn hóa Mỹ.

* Định viết một bài tổng quan về Băng Cốc, nhưng rốt cuộc là một bài về cái tên Băng Cốc, nghĩa là chưa nói gì đến thành phố cả. Hồi đi học không bao giờ viết dàn ý cho bài văn và đây là kết quả.

1 comment:

  1. Chúc em có những ngày thú vị và vui vẻ trên đất Thái.

    ReplyDelete