Sunday, June 20, 2010

Cô Đơn Trên Mạng

Đã rất lâu rồi mình muốn đọc "Cô đơn trên mạng", và bây giờ mình đã hoàn thành mong muốn đó.

Mình không khóc nhiều như lẽ ra phải thế khi đọc cuốn sách này. Mình chỉ khóc khi đọc tới phần cuối cuốn sách, cũng không nhiều mấy. Mình bắt đầu khóc khi đọc bức email cuối cùng của Jakub và hiểu điều gì sẽ xảy ra. Đơn giản là thất vọng, thất vọng đến đau đớn cho một kết cục sẽ không như mình muốn. Nỗi buồn chủ yếu là vì hiểu rằng, có lẽ mọi thứ phải như thế, không thể nào như mình muốn được.

Mình vẫn không thực sự hiểu, tại sao mọi thứ phải xảy ra như thế, với một người như Jakub, với một tình yêu như của cô với Jakub (đến đây mình nhớ ra trong toàn bộ cuốn sách dày hơn 500 trang Wisniewski không hề gọi tên nhân vật nữ chính của mình, thế mà mình không nhận ra, lần tới đọc lại - vài năm sau, chắc thế - mình sẽ săm soi từng dòng chữ xem liệu ở đâu đó có nhắc đến tên cô không). Nếu có một kết cục khác đi thì sẽ là như thế nào nhỉ? Mình còn muốn gì nữa? Jakub đã hành động như mình nghĩ - mình muốn, đã đến tìm cô ấy, nhưng rồi cũng lại ra đi mà không có cô ấy, đã yêu cô ấy đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, nhưng cũng lại từ bỏ cô ấy để "gặp tất cả những người mà anh ta yêu quý; gần như tất cả". Mình cũng không biết, nhưng mình đã mơ màng đến một kết cục khác, một kết cục mà ở đó mọi người đều hạnh phúc, không phải tất cả, nhưng là những người xứng đáng nhất. Đó là một sự mơ mộng vậy thôi.

"Tại sao tất cả mọi người đều bỏ anh? Tại sao? ... Xin em, hãy tìm thấy anh. Hãy cứu anh!" Một năm trước anh đã cứu vớt một cuộc đời, chỉ bằng một cái ôm ghì tức thời. Bây giờ liệu có ai sẽ ôm anh, níu anh lại với thế giới?

Anh cảm thấy như thế nào khi tiến bước về đường tầu số 4 ở sân ga số 11 của ga Berlin Lichtenberg? Mình đã đọc rất kĩ những trang đầu tiên của cuốn sách, miêu tả và lý giải tại sao đường tầu số 4 ở sân ga số 11 của ga Berlin Lichtenberg lại là nơi được chọn làm nơi vĩnh biệt thế giới của nhiều người nhất, cảm thấy rất logic và thuyết phục. "Tước bỏ cuộc sống của mình ở ga Berlin Lichtenberg, người ta cảm thấy như bỏ lại phía sau cái thế giới bằng vữa đã bong tróc, xám xịt, bẩn thỉu... Bỏ lại vĩnh viễn một thế giới như vậy dễ hơn nhiều". Tuy nhiên, mình không cho rằng Jakub đã nghĩ những điều cuối cùng như vậy về thế giới này. Đối với Jakub phải là một cái gì đó khác.

Anh nói đúng, Jakub, tất cả mọi người đều đã rời bỏ anh. Thế nên giờ anh đến với họ, phần lớn.

Còn "cô" thì sao nhỉ? Cô sẽ tiếp tục sống cuộc sống của mình, chịu đựng trong nỗi chán chường người mà cô gọi là chồng, à nhưng mà chắc là cô sẽ phải trở nên vô cảm, hờ hững đón nhận mọi thứ đúng như cô đã quyết định. Có thể nhiều năm sau cô sẽ biết sự thật, lúc ấy chắc hẳn cô sẽ... Có từ nào diễn tả đáy vực của nỗi buồn, đau đớn, hối hận và dằn vặt? Và cả những gì nữa mình không biết. Cô sẽ lại nói với con trai cô : "Jakub ơi, nhớ quá".
Hì, cái tên Jakub này được đặt sang đời thứ 3 rồi, với cùng một ý nghĩa. Mẹ của Jakub đặt tên cho anh theo tên người chồng trước được cho là đã hy sinh ngoài mặt trận của bà.

Cô mạnh mẽ quá, còn anh lại "giàu nữ tính" quá, hiểu thấu tình yêu của cô, nỗi buồn của cô, nỗi đau của cô và của chính mình. Anh đã luôn gắng gượng, anh đã vượt qua tất cả, thế nhưng lần này... Có lẽ vì cô là một niềm hy vọng quá lớn, niềm hy vọng cuối cùng, trong cuộc đời anh. "Sau những gì xảy ra với chuyến bay ấy, anh tưởng như ngày hôm nay anh được ban tặng một cuộc sống mới. Và em có mặt trong đó từ ngày đầu tiên. Và em sẽ mãi mãi ở đó, đúng không?". Cô không ở đó, và hóa ra anh thừa một cuộc sống, một thứ có vẻ như anh không cần đến. Lẽ ra anh đã chết nhiều lần rồi. RIP.

Một cách không kiểm chứng được thì có vẻ như lúc Jakub kết thúc mọi việc ở đường tàu số 4 sân ga số 11 của ga Berlin Lichtenberg cũng là lúc ở trong bệnh viện cô ôm trên tay đứa bé vừa chào đời, gọi nó "Jakub ơi, nhớ quá". Lão già Wisniewski này thật đểu giả (và khôn ngoan), không biết là con ai nữa chứ. Nhưng đứa bé tên là Jakub, vậy thì chúng ta cứ tin rằng nó là Jakub con đi, nếu đó là điều chúng ta muốn.

5 comments:

  1. "Đó chẳng qua chỉ là Internet". Một cú nhấp chuột "Có" cho lệnh delete, tất cả những thứ còn lại ném thẳng vào sọt rác, thế là tất cả biến mất. "Chẳng có gì xảy ra. Thế giới vẫn tiếp tục tồn tại". "Cảm ơn vì em hiện hữu". "Cảm ơn vì anh hiện hữu", nhưng lại không "thực sự hiện hữu" trong cuộc sống của em. Chỉ là "ảo" thôi mà.

    ReplyDelete
  2. Tớ rất thích nhân vật Jakub, thích sự hiểu biết, thích cách kể truyện và đưa ra nhận định về những số phận con người xung quanh anh. Anh là một chàng trai tốt nhưng lại có số phận ngắn ngủi. Jakub chẳng có lỗi gì cả, lỗi của anh ấy sinh ra đã là một con người quá nhạy cảm.
    Nhân vật thứ 2 tớ thích là Natalia, thích cái cách cô viết thư cho Jakub: “Em nhớ anh đến mức tai ù đi”. Tớ rất thắc mắc và bất ngờ khi đọc câu đó. Liệu người điếc có bị ù tai không? Làm thế nào mà có thể nhớ một người đến mức tai ù đi được. Cả cái cách cô viết “Thế giới của em thiếu vắng anh bỗng trở nên im ắng quá” (Hình như sau khi nghe jakup kể về câu chuyện của Natila, “cô” cũng đã nói câu này trong một lần gửi mail cho anh). Tớ không hình dung ra một một cô gái không còn khả năng nghe nhưng laị cảm thấy vạn vật đều im lặng khi không có người yêu bên cạnh là như thế nào. Có lẽ đối với cô sự im lặng khi không có Jakub bên cạnh còn kinh khủng hơn sự im lặng mà cô phải trải qua bao nhiêu năm trời. Tớ rất ngưỡng mộ tình yêu của Natalia, đó là tình yêu thật sự. Bất kì đoạn nào viết về Natila cũng có thể lấy đi của tớ hang tá nước mắt.
    Nhân vật “cô” là một nhân vật theo tớ rất là rất mâu thuẫn. Tớ nhớ trong truyện có một số đoạn lý trí và tình cảm tranh luận với nhau. Lúc đầu, tớ rất bất ngờ vì một người con gái như cô lại không dám từ bỏ để đến với tình yêu của mình. Nhưng nghĩ lại thì đó là cách mà tác giả đưa tất cả mọi thứ về thực tại. Yêu là yêu nhưng thực tế luôn phũ phàng, không phải cái gì muốn cũng có thể có được. Bởi vì cô không chỉ mạnh mẽ mà còn sống quá lý trí. Lý trí của cô còn mạnh hơn cả tình cảm, mạnh hơn cả sự cô đơn. Tớ thích nhân vật “cô” này, tớ hiểu suy nghĩ của cô nhưng nếu là tớ tớ sẽ không quyết định như vậy.
    Nhiều người đọc đề truyện sẽ có thể sẽ hiểu lầm là nội dung là một mối tình trên mạng lâm li sướt mướt. Nhưng đọc rồi mới thấy cuốn truyện không khai thắc nhiều về tình tiết của mối tình trên mạng, chẳng qua chỉ mượn thế giới mạng để nói về sự cô đơn. Thậm chí khi đọc tớ có cảm giác nói nhiều về sự cô đơn trong tình yêu, cô đơn trong cuộc sống hơn là kể về những câu chuyện tình. Tớ cũng đồng ý với cậu cuốn sách này không thể hiểu hết chỉ đọc một lần.
    Nói thật là đọc xong cuốn truyện này tớ thấy u ám kinh khủng , ám ảnh về sự cô đơn và ám ảnh cái kiểu định nghĩa “Cuộc đời cơ bản là buồn, sau đó là cái chết” . Nhưng đọc đến lần thứ hai thứ ba thì tớ không cảm thấy vậy nữa, càng đọc càng thấm, càng đọc càng thấy ý nghĩa. Nếu không hiểu được nỗi buồn và sự cô đơn thì không thể tìm được niềm vui trong cuộc sống. Cậu làm tớ muốn đọc lại quá, rất tiếc là không có ở đây
    Lúc đọc xong tớ đã nghĩ nếu có dịp sẽ đi đến ga Berlin Lichtenberg, sân ga số 11, tàu số 4, tất nhiên là không phải để tự tử:D

    ReplyDelete
  3. câu chuyên bạn viết hay thật! mình đọc cũng hiểu sơ qua về nội dung, và mình thấy nó cũng hay hay. Nếu có dịp bạn có thể gửi cho mình đọc được k?

    ReplyDelete
  4. Ừm, bài này mình viết về cảm nghĩ sau khi đọc cuốn "Cô đơn trên mạng". Mình đọc sách in nên cũng chưa biết bạn muốn gửi thế nào :D . Nếu bạn muốn đọc ebook thì mình sẽ thử tìm cho bạn xem sao, tìm được mình sẽ gửi cho.

    ReplyDelete
  5. Đây là link đọc trực tuyến:
    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmn3n2n0n31n343tq83a3q3m3237n1n
    Đây là link ebook:
    http://www.360-books.vn/ebooks/van-hoc-truyen/co-don-tren-mang.html
    Nếu bạn ở Hà Nội và muốn đọc sách hơn là ebook thì có thể liên lạc gặp trực tiếp mình sẽ cho mượn :D.

    ReplyDelete