Monday, April 24, 2017

Những đứa con miền Trung nơi phương trời Phần Lan

Mình không thích gọi thứ này thứ kia là "cảm động", nhưng thực sự câu chuyện cuộc đời bạn này đọc xong buộc người ta phải suy ngẫm nhiều. Câu chuyện một người con không cha của bà mẹ bán cá xứ biển miền Trung sang Phần Lan học về chế biến thủy sản và công nghệ đông lạnh. Đọc xong cũng thấy tự xấu hổ nhiều lắm, mình sinh ra với điều kiện tốt hơn người ta mà thành tựu kém hơn người ta. Cảm phục người con và cảm phục cả người mẹ đã dũng cảm một thân một mình đưa con đi khắp nơi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho hai mẹ con và lại cũng sẵn sàng để con rời xa xây dựng ước mơ riêng mình. Nhưng trong ước mơ của con luôn có hình bóng mẹ, con đường đưa con đi xa cuối cùng cũng sẽ dẫn về quê nhà, để có thể đỡ đần mẹ nhiều hơn.

 Dưới đây là thư một bạn trẻ gửi cho page Tony Buổi Sáng.

"Dear dượng,

Con viết cho dượng những dòng này khi đang ngồi trong quán cà phê Starbucks gần trường ĐH ở đất nước Phần Lan xa xôi. Hôm nay quán bán COD (coffee of the day) của Đà Lạt mình, con làm một ly Americano nóng to đùng. Con vừa viết vừa uống, hết ly là con ngừng đó nha (con bắt chước kiểu viết của dượng cho độc giả hụt hẫng chơi).

Con sinh ra ở một làng chài ven biển nghèo nhất xứ Thanh Hoá. Con là đứa con duy nhất của mẹ. Và con không có bố. Khi có con, vì người đời đàm tiếu phán xét dữ dội nên mẹ chịu không nổi, nửa đêm mẹ bế con theo xe khách đi dần vào các tỉnh miền trong. Mẹ đến nhà 1 cô người quen ở một xã ven biển ở Quảng Trị, xin làm công nhân trong xưởng nước đá. Sau đó cô ấy cho mẹ mượn tiền để tự ra riêng, thuê nhà buôn bán. Cứ mờ sáng, mẹ con dậy sớm, ra ngoài bãi chờ mấy chú đánh cá về, lấy một ít rồi đạp xe lên chợ miền núi cách đó 15km để bán lại. Con chỉ biết tên bố mình khi con dịch giấy khai sinh để làm hồ sơ đi du học. Mẹ con khi nào con ăn học thành tài, mẹ sẽ cho liên lạc lại để nhận mặt. Bí mật đời mẹ nên con cũng không tò mò nữa.

Con lớn lên trong mùi tanh nồng nàn của cá biển. Mẹ con tiếp xúc với cá nhiều nên mùi mồ hôi cũng là mùi cá, dù tắm xà bông cỡ nào cũng không bay hết được. Người khác thì thấy ghê ghê nhưng con thấy rất đỗi thân thương. Dượng biết không, dù đã dọn đến một nơi xa lạ, nhưng xóm làng ở đây vẫn không buông tha. Con lớn lên trong sự trêu chọc của những bạn bè trang lứa, vốn có cha có mẹ đầy đủ. Rồi những lần những người đàn ông đến với mẹ con, đòi lấy mẹ nhưng đối xử với con lạnh nhạt lắm. Đàn ông châu Á thường ích kỷ, họ chỉ thương và lo cho con ruột của họ thôi nên mẹ nói thôi mẹ ở vậy, lấy về mà mấy ổng đánh con chắc mẹ sẽ chết. Mẹ lầm lũi như con cò con vạc trong ca dao xứ mình. Có bao nhiêu người đàn bà Việt Nam lầm lũi với đứa con của họ, con không biết nữa, nhưng chắc là nhiều lắm. Tư tưởng nho giáo và mối quan hệ cộng đồng làng xã đặc trưng khiến người phụ nữ châu Á mình sống cứ phải sống một cuộc đời khổ thân, khổ tâm, khổ trí.

Có lần tụi bạn học trêu chọc con là đồ không cha, mẹ hàng tôm hàng cá nên mất dạy, con quyết sống mái với chúng nó một trận với tất cả uất ức trong lòng. Bọn chúng đông hơn, đánh con thừa sống thiếu chết. Khi đem lên phân xử, có cô giáo, thầy hiệu trưởng và phụ huynh hai bên, con bị kết tội là con sai hoàn toàn. Con vẫn nhớ ánh mắt thống thiết của mẹ con khi thầy hiệu trưởng nói “chị không có chồng, nhà không có nóc, chị phải đóng vai cha để dạy con, đừng để nó thành người xấu, phá làng phá xóm như vậy nữa”. Bữa đó, mẹ đạp xe chở con về, nấu cơm cho ăn xong, ra ngoài sân ôm mặt khóc nức nở. Rồi mẹ vô nhà, lấy giỏ bỏ đồ 2 mẹ con vô, nói thôi mẹ vô Đà Nẵng, ở thành phố người ta bớt soi mói hơn. Mẹ gửi con qua nhà cô chủ hãng nước đá, một ân nhân của mẹ rồi bắt xe lên đường. Con lầm lũi không nói không cười mất mấy tháng cho hết năm học, rồi theo mẹ lên Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng, mẹ làm công nhân cho một xí nghiệp thủy sản, do mẹ có kinh nghiệm phân loại cá. Rồi mẹ cũng trở lại nghề cũ. Mẹ con chỉ thích bán cá thôi. Cuộc sống dần ổn định và mẹ con mua được cái nhà cho hai mẹ con tá túc.

Con đọc sách của dượng vào năm lớp 11. Thấy hay, con đọc cho mẹ nghe. Chuyện vui, mẹ cười bảo “cái ông ni viết hài ghê ta ơi, cứ như gặp nhau cuối tuần trên tivi”. Rồi có lúc, hai mẹ con bật khóc. Nhất là khi đọc truyện Mùi Kiệu, mẹ nói, cảm giác tủi thân y chang như mẹ con mình. Rồi con đọc chuyện West Point, từ đó con nghĩ tại sao mình không làm khác. Cứ y chang mọi người thì sao thành công được. Thay vì cứ luyện toán lý hoá sinh mờ mờ sáng đến khuya, tranh nhau một suất vô ĐH ở Việt Nam, mình có thể đi nước ngoài học không. Tình cờ con đọc 1 bài báo nói về học sinh Trung Quốc hiện chiếm 1/3 sinh viên quốc tế tại các ĐH Mỹ. Bên TQ có kỳ thi “Cao Khảo” cũng khốc liệt như kỳ thi tuyển sinh ĐH ở Việt Nam, nên học sinh TQ bí mật chỉ nhau cách vào ĐH Mỹ, vì thi SAT dễ dàng hơn. Từ đó, học sinh TQ bùng nổ ở Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand…trong đó rất nhiều bạn được học bổng toàn phần, tức trường bên kia tài trợ toàn bộ kinh phí học tập lẫn ăn ở. Thế là con lân la lên mạng xem thử thi vào ĐH Mỹ thế nào. Hóa ra vô cùng dễ so với kỳ thi của mình. Điều kiện cần chính là điểm IELTS và SAT, còn điều kiện đủ chính là trí lực của mỗi cá nhân. Họ cần bài luận tự viết, bằng chứng về các hoạt động xã hội và từ thiện, các công trình nghiên cứu sáng tạo, các bài báo…và sự tự tin. Vì họ sẽ gọi phỏng vấn qua Skype. Con đọc xong, thức trắng 1 đêm, quyết định mình sẽ có lối rẽ khác. Nhất định mình không phải là đứa tầm tầm bậc trung, không chen chúc trên con đường có quá nhiều người đi.

Con đến nhà sách Đà Nẵng mua về các cuốn luyện SAT và IELTS cũng như download từ trên mạng xuống, rồi ngồi luyện. Con mượn mẹ 10 triệu để mở thẻ thanh toán quốc tế visa debit để thanh toán cho các kỳ thi này. Tháng 3, tháng 4 con thi 2 kỳ thi này xong, rồi nộp vô các ĐH mình ưa thích trên thế giới, bằng tú tài sẽ bổ sung sau. Con nhận được thư chấp thuận vào học của nhiều ĐH lắm dượng, phần lớn là miễn 75% học phí, hoặc hoàn toàn học phí, chỉ có 1 trường ở Phần Lan và 1 trường ở Mỹ cho học bổng toàn phần, tức bao luôn ăn ở đi lại. Con quyết định chọn Phần Lan, tháng 6 ra Hà Nội phỏng vấn visa xong, con về thi tú tài nhẹ nhàng rồi phụ mẹ bán cá. Khi các bạn con dáo dác xách hồ sơ bay vào Sài Gòn, bay ra Hà Nội, ra Huế căng mắt theo dõi thông tin các nguyện vọng như thị trường chứng khoán thì con chỉ lo bán cá phụ mẹ, chờ ngày lên máy bay để kịp kỳ nhập học tháng 9 ở Phần Lan.

Lúc luyện IELTS và SAT, con cũng đã rủ các bạn làm nhưng các bạn không dám, vì tâm lý “chắc ăn” của người mình nặng lắm. Thật ra, con tự tin luyện thi ĐH của nước ngoài là vì bây giờ ĐH mình nhiều quá, 4-5 trường, tìm một ĐH để học đâu có khó. Các ĐH, cao đẳng vùng, cao đẳng nghề thiếu người học trầm trọng. Con thấy mấy anh chị trước luyện thi từ mờ sáng đến khuya lơ, giành nhau vô ĐH tốp này tốp kia chứ ra trường cũng thất nghiệp nếu không có ngoại ngữ, trải nghiệm làm thêm hay công tác xã hội. Như chị Quỳnh, con gái của cô bán nước đá ở Quảng Trị đó, một tháng học ở Sài Gòn, cô phải gửi vào 5 triệu tiền ăn ở học thêm, tính ra 1 năm là 60 triệu, cộng học phí đi lại linh tinh khoảng 100 triệu. Tính ra 4-5 năm học khoảng 400-500 triệu chứ đâu có ít, tại mình chuyển dần thì không thấy nhiều đó thôi. Giờ học xong chị Quỳnh thất nghiệp về phụ mẹ bán nước đá, con kêu đi nước ngoài làm thì chị nói tiếng Anh lèo tèo nên sao đi được.

Năm ngoái, thật ra, con cũng “chắc ăn” nên đăng ký cao đẳng nghề Đà Nẵng, và định bụng sẽ làm thêm cái ĐH tại chức tiếng Anh ban đêm, hoặc đi làm luôn nếu không có ĐH nước ngoài nào nhận. Con cao ráo đẹp trai, tiếng Anh lưu loát như vầy, mấy resort 5 sao ở Đà Nẵng, Hội An không lẽ không cần người mở cửa? Nhưng trong thâm tâm, con chỉ muốn đi du học, nhưng không ai tin con, kể cả mẹ. Với người châu Á mình, con sãi ở chùa chỉ quét lá đa thôi, thành công luôn phải có ai đó giúp, chứ tự mình là không thể. Nhưng con theo chủ nghĩa tự thân tự lập và tự tin về điều đó. Mẹ chỉ nói mi làm chi thì cứ làm, mẹ sinh con ra là cho con một cơ hội ra cuộc đời, không phải có nghĩa vụ nuôi mẹ. Về già, mẹ sẽ về lại quê cũ, sống với các cậu các dì, hoặc vô viện dưỡng lão. Con cứ vẫy vùng bốn phương cho thỏa chí làm trai, dở quá thì về phụ mẹ. Mẹ nói mẹ bán cá mà đọc bài của Tony riết nên ứng xử văn minh lắm, con cứ yên tâm.

Con đăng ký học ngành chế biến thủy sản và công nghệ đông lạnh. Có lẽ những kinh nghiệm bán cá của con, các bức ảnh lao động chân tay của con gửi cho mấy thầy, rồi lá thư con trình bày về khát vọng làm một nhà máy chế biến bột cá ở quê nhà đã thuyết phục các thầy bên này. Chuyện đi du học, con không muốn bàn tán xôn xao nên tuyệt đối không nói với ai. Họ có giúp gì được mình đâu mà báo cáo. Họ không tin thì lại lời ra tiếng vào, con thích cách ứng xử của dượng với thế gian. Cần gì nổi danh ồn ào, “sông càng sâu càng tĩnh lặng”, hay có một câu tiếng Anh mà con thấy dượng để trên page của mình là “work hard in silence, let success be your noise”.

Con không biết tương lai con sẽ như thế nào. Vì Tây cho tiền con học nên con không có ràng buộc gì về việc tốt nghiệp xong phải làm gì ở đâu. Lấy tiền của Tây đi học không khó như mọi người nghĩ. Chỉ cần có ý chí, mọi con đường đều mở ra.

Thế giới phẳng, con đã là công dân toàn cầu, thi ĐH không việc gì phải bó buộc ở nước nào nữa, muốn thi đâu thì thi, học ở đâu thì học. Và con sẽ là một công dân có ích trong 7 tỷ nhân loại này. Khi ai hỏi, con đều trả lời là mẹ tao là người bán cá ở xứ biển miền trung nước Việt. Mẹ tao là single mom, đơn thân, bình thường nhưng không tầm thường. Và tao cũng vậy.

Con chỉ một ràng buộc duy nhất để trở về, chính là mùi mồ hôi tanh nồng mùi cá của mẹ con. Tự dưng, con nhớ nhà quá dượng….”

 Đọc xong thấy nhớ con em Thị Quỳnh đang lưu lạc bên Phần Lan của mình. Con bé 23 tuổi tưng tửng gầy gò da ngăm đen quê Phú Yên, ước mơ làm y tá cứu hộ cá heo =.= (và mình đã nói với nó là nghe ngớ ngẩn). Mình không biết rõ gia đình nó nhưng chỉ nói chuyện kế hoạch du học thì cũng biết là gia đình nó không có điều kiện để hỗ trợ gì, nó tự nộp đơn vào các trường Phần Lan (vốn có chính sách miễn học phí kể cả cho người nước ngoài), được nhận thì xác định qua đó làm thêm trang trải sinh hoạt phí. Hôm nó lên đường xuất ngoại mình ra sân bay tiễn, gặp cả gia đình nó cũng đang chờ ở sân bay. Bố nó mới mất ngay trước ngày nó bay 1 tháng (vì chuyện đó mà suýt bỏ ngang việc du học), người mẹ và hai anh trai đều mang dáng vẻ khắc khổ của người lao động chân tay, giản dị lặng yên trong giờ phút tiễn con gái út sang trời Âu xa xôi bước vào một cuộc sống khác. Mình tự hào về con bé quen không lâu mà thấy rất thân này lắm. Nhìn nó mình cảm thấy cơ hội là không có giới hạn. Một hình mẫu đẹp tiêu biểu cho các bạn trẻ Việt Nam ngày càng có ý chí và tự tin vươn ra biển lớn, chạm tay tới ước mơ của mình. Vững vàng lên cô gái, em thật sự rất kiên cường.

No comments:

Post a Comment